logo
title

Tạo động lực cho du lịch Điện Biên phát triển

Cập nhật ngày: 29/03/2024
Là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc có 18 cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống, có cụm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, do vậy Điện Biên luôn xác định ưu tiên phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan cho nên du lịch Điện Biên chưa phát triển xứng với tiềm năng. Thời gian qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách đặc thù dành riêng cho du lịch, khuyến khích đầu tư và phát triển du lịch.
 
Khách du lịch hào hứng khám phá không gian văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số tại Điện Biên
 
Ông Lò Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành sáu nghị quyết chuyên đề tạo động lực phát triển cho ngành du lịch. Cụ thể gồm các nghị quyết: Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển cây hoa anh đào cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện trồng tập trung tại các xã Mường Phăng, Pá Khoang; sửa đổi, bổ sung quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng một số khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong đó nâng mức phí tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ từ 25.000 đồng/người/lượt lên 100.000 đồng/người/lượt; quy định cụ thể một số nội dung, mức hỗ trợ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng địa phương; chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích Khu trung tâm đề kháng Him Lam (giai đoạn II) nhằm tạo điểm tham quan mang dấu ấn đặc trưng, thu hút du khách; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 quần thể đô thị, dịch vụ, cáp treo Điện Biên Phủ là khu chức năng phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ-văn hóa lịch sử và khu đô thị sinh thái, tổ hợp đa chức năng thu hút khách du lịch, kết nối Khu di tích lịch sử hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến khu vực di tích Đài quan sát núi Pú Tó Cọ.
 
Ngoài sáu nghị quyết nêu trên, ngày 14/7/2023 tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND quy định kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, đội văn nghệ quần chúng của thôn, tổ dân phố được thành lập theo Quyết định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (1đội/thôn, tổ dân phố), được hỗ trợ 4.000.000 đồng/năm để mua sắm, thuê trang phục, đạo cụ, thiết bị, hóa trang; thuê đạo diễn, biên đạo, dàn dựng chương trình; bồi dưỡng cho diễn viên tập luyện, biểu diễn. Đây là chính sách đặc thù của địa phương, có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch của tỉnh.
 
Bà Lò Thị Hoàn, Đội trưởng Đội văn nghệ quần chúng bản Púng Tôm, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Đội văn nghệ Púng Tôm đã thành lập gần 10 năm, dẫu các thành viên nhiệt tình song thực trạng rất khó khăn. Tuy nhiên từ năm 2023 được địa phương hỗ trợ kinh phí 4 triệu đồng mỗi năm thì Đội văn nghệ Púng Tôm có thêm nguồn lực mua trang thiết bị, như: Loa đài, trang phục biểu diễn. Thành viên đội văn nghệ vui lắm!
 
Nhờ có các nghị quyết với các chính sách hỗ trợ đặc thù, ngành du lịch Điện Biên đã có thêm nguồn lực đào tạo nhân lực, nguồn lực xây dựng, tôn tạo, chỉnh trang các điểm di tích. Một số di tích thành phần của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ sau khi được bảo tồn, tôn tạo đưa vào khai thác đã phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn, là tài nguyên du lịch chủ đạo, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, góp phần thu hút du khách về tham quan.
 
Đáng chú ý, với sự đầu tư hoàn thiện bức tranh panorama (toàn cảnh) tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đưa vào khai thác, phục vụ khách tham quan dịp kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo thêm sức hút đối với du khách. Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết: Khi bức tranh panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức được đưa vào khai thác, lượng khách đến Bảo tàng tăng rất nhiều; cao điểm có ngày Bảo tàng đón hàng nghìn khách tham quan.
 
Đề cập bước chuyển mới của du lịch Điện Biên sau khi được quan tâm đầu tư từ các nghị quyết, chính sách đặc thù, ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Sau 6 năm triển khai Nghị quyết số 31/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Điện Biên đã đón gần ba triệu lượt khách du lịch (tăng 52% so với giai đoạn 2011-2015), trong đó có 437.800 lượt khách du lịch quốc tế (tăng 28% so với giai đoạn 2011-2015); tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 4.768 tỷ đồng (tăng 133% so với giai đoạn 2011-2015); giải quyết việc làm cho gần 14.000 lao động, trong đó có khoảng 6.000 lao động trực tiếp; số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 2,5 ngày.
 
Toàn tỉnh có 210 cơ sở lưu trú du lịch với 2.846 buồng/5.190 giường; có 11 bản văn hóa du lịch có khả năng đón tiếp và phục vụ khách, 6 homestay, 14 điểm vui chơi, dã ngoại có khả năng đáp ứng cho 83.000 lượt khách du lịch cùng một thời điểm. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; không gian phát triển du lịch được quan tâm; một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai khác thu hút khách tham quan tìm hiểu và trải nghiệm; công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được chú trọng, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin; tăng số lượng khách du lịch được tiếp cận thông tin, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch theo chiều sâu, qua đó góp phần quan trọng thu hút du khách đến với Điện Biên.
 
Tổng kinh phí đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 là 214.460 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2023 Điện Biên đã đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ, khách sạn, các khu vui chơi giải trí. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Điện Biên đón 1 triệu lượt khách (tăng gần 25% so với năm 2022); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong năm 2023 ước đạt hơn 1.750 tỷ đồng.
 
Đây là tín hiệu tích cực, là tiền đề để ngành du lịch Điện Biên tiếp tục bứt phá tạo động lực cho tỉnh phát triển toàn diện, trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng trung du và miền núi phía bắc.
 
Bài và ảnh: Lê Lan 
Báo Nhân Dân điện tử - nhandan.vn