logo
title

Bình Định: Thí điểm xã hội hóa trong quản lý, khai thác di tích tháp Chăm - Phát huy giá trị phục vụ du lịch

Cập nhật ngày: 22/05/2023
Sở hữu nhiều cụm tháp Chăm giá trị, nhưng thời gian qua, việc khai thác để trở thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách vẫn là điều cơ quan quản lý di tích cũng như ngành du lịch tỉnh Bình Định thực hiện chưa hiệu quả.
Bình Định hiện có 7 cụm tháp Chăm có sự đa dạng về kiến trúc và phân bổ trên các vị trí thuận lợi về giao thông của TP Quy Nhơn và các huyện, thị: An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn. Đây là những nơi có thể kết hợp với nhiều tài nguyên du lịch văn hóa và danh lam thắng cảnh khác tạo nên sản phẩm du lịch tổng hợp phong phú cho du khách. Đặc biệt Bình Định có tháp Dương Long được cho là cụm tháp lớn nhất Đông Nam Á; tháp Bánh Ít là quần thể tháp Chăm lớn nhất Việt Nam - là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh.
 
Có lợi thế nằm ngay trung tâm TP Quy Nhơn, nhưng lượng khách đến tháp Đôi chưa nhiều và không thường xuyên. Ảnh: Lê Na
 
Những di tích tháp Chăm ở Bình Định chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật rất giá trị, là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc. Hiện nay, tỉnh đang tập trung đầu tư trùng tu, nâng cấp các tháp Chăm và xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để đưa các giá trị văn hóa của tháp Chăm trở thành sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện số lượng du khách đến tham quan các di tích nói chung về hệ thống tháp Chăm nói riêng còn khá thưa thớt.
 
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, lượng khách đến với các di tích trên địa bàn tỉnh khá ít, dù chỉ có 4 điểm tổ chức bán vé. Tháp Đôi và tháp Bánh Ít là 2 điểm đông du khách đến tham quan nhất, nhưng cũng theo mùa và không thường xuyên. Chúng tôi đã tạo điều kiện để các trường học đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử tại các di tích, đồng thời, lên kế hoạch tổ chức thêm các hoạt động để du khách có thêm trải nghiệm, tránh cảm giác tẻ nhạt khi tham quan”.
 
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng giao Sở Văn hóa & Thể thao nghiên cứu lập đề án thí điểm xã hội hóa trong quản lý, khai thác di tích phục vụ du lịch. Đây được coi là chủ trương mang tính đột phá, nhằm phát huy giá trị di tích, đưa du khách đến gần hơn, tìm hiểu kỹ hơn về những di tích có giá trị đặc sắc trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng với các chiến lược phát triển về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh, việc xây dựng các chương trình du lịch phù hợp để đón khách quanh năm, tăng thời gian lưu trú của du khách. Việc khai thác các giá trị di tích, trong đó có hệ thống tháp Chăm sẽ đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu văn hóa của nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Điều đó cũng hạn chế và khắc phục được tính mùa vụ theo đặc tính vùng miền, phù hợp với các đối tượng khách hàng. Đây cũng là vấn đề quan trọng cần đặt ra cho ngành du lịch trong thời gian tới.
 
Lê Na
Báo Bình Định Online - baobinhdinh.vn