logo
title

Hà Nội: Thường Tín phát huy giá trị di sản “đất danh hương”

Cập nhật ngày: 08/03/2023
Thường Tín (Hà Nội) được mệnh danh là “đất danh hương”, quê hương của 68 nhà khoa bảng. Ðó là “đất trăm nghề” khi nơi đây có 126 làng nghề. Thường Tín còn có 462 di tích các loại. Những năm gần đây, huyện đã tập trung đầu tư vào công tác tu bổ, tôn tạo di tích, bảo tồn hệ thống di sản để hướng tới phát triển du lịch.
 
Nghệ nhân làng nghề Hạ Thái chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ
 
Những ngày tháng 3, các hoạt động trên công trường dự án xây dựng Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín diễn ra sôi động. Ðây là dự án về văn hóa lớn nhất trên địa bàn huyện những năm qua. Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi rộng 27.000m², tổng mức đầu tư 144 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện. Khu lưu niệm gồm nhiều hạng mục công trình như: Cổng chính, cổng phụ, lầu chiêng, gác trống, nhà trưng bày, nhà tám mái, hồ bán nguyệt, tượng đài…
 
Ðược khởi công từ cuối năm 2022, Thường Tín đang nỗ lực để công trình về đích đúng thời hạn vào năm 2024. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết: “Nguyễn Trãi quê gốc ở Chí Linh, Hải Dương, mảnh đất văn hiến Thường Tín chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ông. Các địa danh ở Nhị Khê như: Ao Huê, Trại Ổi… đều gắn bó với tuổi thơ Nguyễn Trãi và cha ông, người mở trường dạy học ở mảnh đất này. Việc xây dựng một khu lưu niệm xứng đáng tầm vóc Danh nhân văn hóa, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi là hết sức cần thiết và được nhân dân ủng hộ.
 
Dự kiến, sau khi khánh thành, chúng tôi sẽ phối hợp ngành văn hóa, các nhà khoa học xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận quần thể đền thờ Nguyễn Trãi, Khu lưu niệm về Nguyễn Trãi là Di tích quốc gia đặc biệt”.
 
Thường Tín là địa bàn có nhiều nhà khoa bảng nhất thành phố, với 68 nhà khoa bảng trong các triều đại phong kiến. Về di tích, huyện có 462 di tích các loại, dẫn đầu toàn thành phố về số lượng di tích. Thường Tín cũng thuộc nhóm dẫn đầu về làng nghề của Hà Nội, với 126 làng nghề, trong đó có 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Những làng nghề “vang danh thiên hạ” lâu nay phải kể tới như: nghề thêu ở các xã Quất Ðộng, Dũng Tiến, Thắng Lợi; sơn mài Duyên Thái; điêu khắc đá Nhân Hiền (xã Hiền Giang), cây cảnh ở xã Hồng Vân…
 
Với tiềm năng, lợi thế ấy, Thường Tín xác định thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch của huyện là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh gắn liền với làng nghề truyền thống. Ðể có thể khai thác, trước hết phải tập trung bảo tồn các giá trị di tích, di sản. Từ năm 2017, Hội đồng nhân dân huyện ban hành nghị quyết hằng năm dành 1% tổng chi ngân sách của huyện để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích.
 
Trong giai đoạn này, có 74 di tích được đầu tư công và chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết với kinh phí 78 tỷ đồng; kinh phí xã hội hóa huy động được từ nhân dân giai đoạn 2018-2022 để tu bổ, tôn tạo di tích là 50,6 tỷ đồng. Một số di tích được các địa phương chủ động xin phép tu bổ, tôn tạo bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa. Tiêu biểu như Văn Từ Thượng Phúc, với tổng kinh phí đầu tư lên tới 50 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2022-2025, Thường Tín tiếp tục tu bổ là 12 di tích.
 
Ðể phát triển du lịch, Thường Tín đã từng bước đầu tư, nâng cấp hạ tầng và được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận các điểm du lịch: Du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề lược sừng Thụy Ứng… Trong đó, điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đang là điểm đến được nhiều người ưa chuộng. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây một số làng nghề như nghề điêu khắc đá, gỗ (xã Hiền Giang), nghề sản xuất chăn ga gối đệm (xã Tiền Phong) và các xã Quất Ðộng, Thắng Lợi, Dũng Tiến với nghề thêu truyền thống… hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố công nhận điểm du lịch làng nghề.
 
Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín cũng tích cực phối hợp Sở Du lịch tìm giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch mới dựa trên tiềm năng, thế mạnh; tập huấn kiến thức du lịch nông nghiệp, nông thôn cho các hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn, nâng cao kiến thức làm du lịch cho người dân… Tuy nhiên, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay của Thường Tín là số lượng di tích quá đậm đặc, huyện cần sự hỗ trợ tích cực của thành phố mới có thể bảo đảm công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn.
 
Trong buổi làm việc với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, xây dựng đời sống văn hóa, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Hiện nay, cả nước đang tập trung vào nhiệm vụ chấn hưng văn hóa Việt Nam, văn hóa thành động lực, nguồn lực nội sinh đưa Việt Nam phát triển. Việc huyện Thường Tín quan tâm đầu tư tu bổ di tích, biến tài nguyên văn hóa thành sản phẩm du lịch là một hướng đi đúng đắn. Song, để thu hút du lịch, các ngành của thành phố cần phối hợp, hỗ trợ để Thường Tín khai thác tài nguyên thành những sản phẩm hấp dẫn; cùng với đó là xây dựng môi trường văn hóa vừa để nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, vừa hấp dẫn khách du lịch. Bộ trưởng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền giáo dục về những giá trị văn hóa trong nhân dân; đồng thời, chú trọng việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng.
 
Giang Nam
Báo Nhân Dân - nhandan.vn