logo
title

Quảng Trị: Nhiều cách làm sáng tạo thu hút du khách đến với Gio An (Gio Linh)

Cập nhật ngày: 20/02/2023
Xã Gio An, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) có điều kiện tự nhiên, xã hội rất phù hợp để phát triển du lịch, nổi tiếng với di tích lịch sử văn hóa quốc gia hệ thống giếng cổ và ruộng rau liệt… Hiện người dân Gio An đã sáng tạo ra nhiều cách làm du lịch mới, hấp dẫn để thu hút du khách ngày càng nhiều hơn.
 
Du khách thích thú khi đến tham quan giếng cổ và ruộng rau liệt tại khu vực giếng Ông ở thôn Hảo Sơn, xã Gio An - Ảnh: Tú Linh
 
Làng An Nha có hệ thống khai thác nước cổ với giếng Đào, giếng Trạng, giếng Kình, giếng Phường, có chùa Long Phước...và khoảng 3 ha ruộng đá để trồng rau liệt. Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, để thu hút du khách, làng An Nha đã nghĩ ra cách khai thác lợi thế của mình rất độc đáo.
 
Mới đây, làng tổ chức hội thi trình diễn cắt rau liệt. Làng chọn 10 người (5 nam, 5 nữ) là chủ các ruộng rau để thi chẻ lạt bó rau nhanh, cắt rau đẹp. Thời gian thi diễn ra 20 phút. Với người dân Gio An, họ đã quá quen với việc thu hoạch rau liệt hằng ngày để đi bán. Nhưng đây là lần đầu tiên người dân tại chỗ và du khách được chứng kiến các “thợ cắt rau” điệu nghệ trong một hội thi.
 
Chỉ một vài nhát dao của người phụ nữ xén qua vạt rau, người đàn ông đứng cạnh bên đã chẻ xong lạt và bó hoàn thành bó rau trong nháy mắt; vạt rau nhỏ của ruộng rau để lại phần gốc bằng phẳng như trải chiếu.
 
20 phút của hội thi diễn ra rất nhanh, người dân và du khách muốn được tiếp tục chứng kiến các đôi tay mềm mại cắt rau của phụ nữ, chẻ lạt bó rau thoăn thoắt của đàn ông, nhưng ban tổ chức đã bấm đồng hồ kết thúc. Người về thứ nhất với số lượng cắt được 16 bó rau.
 
Hệ thống khai thác nước cổ trên địa bàn xã Gio An có 14 giếng cổ nằm tại các thôn Tân Văn, Long Sơn, Hảo Sơn, Gia Bình, An Nha, An Hướng, cùng với hơn 10 ha ruộng đá để trồng rau liệt. Cây rau này được trồng từ tháng 10 năm trước, khoảng 3 tuần sau sẽ cho thu hoạch, mỗi lứa thu hoạch cách nhau 15 - 20 ngày và thời gian thu hoạch kéo dài đến đầu tháng 3 năm sau.
 
Mấy tháng gần đây, cùng với sự quảng bá mạnh mẽ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể cũng như Nhân dân về thế mạnh du lịch của địa phương nên rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, ngoài nước tìm về các địa điểm du lịch tại Gio An, tập trung nhất là tham quan các giếng cổ và ruộng rau liệt. Nhiều ngày đoàn khách đông đến gần 100 người.
 
Cô Từ Thanh Tú ở Phường 1, TP. Đông Hà cùng nhóm bạn tìm về Gio An du lịch miền giếng cổ và ruộng rau liệt. Cô Tú cho biết thật bất ngờ với vẻ đẹp thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Nghe quảng bá về Gio An đã lâu, xem trên hình ảnh đã thấy đẹp, nhưng khi được tận mắt trải nghiệm thì mới cảm nhận được vẽ đẹp độc đáo của du lịch Gio An.
 
Hôm đó cô cùng nhóm bạn tham quan giếng cổ, chụp hình ruộng rau liệt. Đi trải nghiệm đến mỏi chân cũng chỉ được 3 giếng và nhu cầu cần tiếp thêm năng lượng đã xuất hiện. Cả nhóm tìm đến các quán ẩm thực đặc sản thịt thỏ, bánh lọc, cơm gà đồi và hải sản tại thôn Bình Sơn và An Nha của xã để ăn trưa. Mặc dù buổi chiều vẫn muốn tiếp tục tham quan nữa nhưng cả nhóm quyết định hẹn lần khác trở lại để được trải nghiệm nhiều hơn.
 
Ông Trần Minh Đức, một nhà tổ chức tour du lịch ở Đà Nẵng đưa khách về xã Gio An để tham quan giếng cổ và ruộng rau liệt. Ông Dũng cho biết du khách rất thích thú trải nghiệm ở một nơi có độ cao vừa phải như Gio An ( từ 47- 82 m so với mực nước biển). Thời tiết ở đây trung hòa giữa các vùng nên du khách khá dễ chịu khi đến trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử nổi tiếng của vùng đất Gio An. Hy vọng chính quyền và Nhân dân của xã có nhiều cách làm du lịch hay để thu hút du khách tìm đến nhiều hơn nữa.
 
Vì vậy, để phát huy lợi thế tự nhiên, phục vụ phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, ông Lê Phước Hiếu cho biết: “Hội thi cắt rau liệt chỉ mới bước đầu thử nghiệm nhưng cho thấy rất thành công. Chúng tôi đã có kế hoạch sắp tới sẽ tổ chức hội thi cắt rau theo lịch trình mỗi tuần 2 buổi, sẽ thông báo sớm để du khách chủ động sắp xếp lịch đến trải nghiệm, cùng người dân cắt rau liệt.
 
Khi hết mùa rau liệt, chúng tôi tổ chức hội thi gói bánh bột lọc (bánh sắn) ngon, nhanh, vừa để trình diễn tay nghề các lao động vừa phục vụ du khách và người tiêu dùng. Bánh bột lọc Gio An là đặc sản ẩm thực nổi tiếng.
 
Chúng tôi muốn thương hiệu này vươn xa hơn nữa để người sống bằng nghề làm bánh bột lọc có được thu nhập ổn định và cao hơn hiện tại. Xã Gio An còn nhiều đặc sản nổi tiếng khác có thể khiến nhiều du khách thích thú tìm đến trải nghiệm”.
 
Tuy nhiên, ông Lê Phước Hiếu thừa nhận, nhiều du khách đến tại các điểm du lịch vẫn thiếu ý thức tham gia bảo vệ môi trường. Khách rời đi để lại nhiều thứ rác như bao bì đựng thức ăn, nước uống mà họ mang theo làm ô nhiễm các điểm du lịch, người dân địa phương trong lúc chưa được hưởng lợi gì thì phải tốn thời gian dọn dẹp vệ sinh các điểm cộng đồng.
 
Vì vậy rất mong du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ở xã Gio An còn sơ sài, thiếu các điểm vệ sinh công cộng.
 
“UBND xã đã nhận thấy điều này và khuyến khích, vận động người dân năng động, sáng tạo hơn trong cách làm du lịch để vừa thu hút du khách vừa có thêm thu nhập”, ông Lê Phước Hiếu cho hay.
 
Tú Linh
Báo Quảng Trị điện tử - baoquangtri.vn