logo
title

Huyện Đà Bắc (Hòa Bình): Thực hiện khát vọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật ngày: 14/02/2023
Vốn là một bản nhỏ, đường sá đi lại khó khăn, có thời điểm gần như biệt lập với bên ngoài khi không có đường giao thông. Muốn đến xóm Đá Bia (nay là xóm Đức Phong), xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc chỉ có một cách đi nhờ những con thuyền tôm trên vùng lòng hồ sông Đà. Tuy nhiên, từ khi được khai phá, Đá Bia từng bước khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch, được bình chọn và trao giải thưởng du lịch cộng đồng (DLCĐ) ASEAN năm 2019...
 
Được hỗ trợ về chính sách và các nguồn lực đầu tư, bản Đá Bia thuộc xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) dần được khẳng định trên bản đồ du lịch, thu hút đông du khách đến trải nghiệm
 
Từ nghị quyết mở đường
 
Có được kết quả đó là do Đá Bia không chỉ có cảnh quan tươi đẹp, nguyên sơ, nét văn hóa dân tộc đặc sắc, mà còn có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng hành của doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức nỗ lực khai phá, đưa du lịch Đà Bắc phát triển. Theo chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc, sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để du lịch Đà Bắc phát triển, bứt phá thời gian qua. Trong đó, Nghị quyết số 09-NQ/HU của Huyện ủy về công tác phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 được xem là nghị quyết "mở đường”.
 
Đồng chí Bùi Văn Luyến, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc cho biết: Đây không chỉ là nghị quyết để cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân địa phương thấy rõ được tiềm năng, lợi thế; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển KT-XH của huyện. Nghị quyết còn thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của huyện và các tầng lớp nhân dân trong việc đổi mới tư duy về phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống người dân...
 
Điều này đã được minh chứng rõ nét qua thực tế không chỉ ở Đá Bia mà ở hầu khắp các bản làng làm DLCĐ trên địa bàn huyện. Như ở xóm Sưng - xã Cao Sơn, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Dao Tiền, từ một xóm nghèo biệt lập, được sự hỗ trợ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cá nhân, tổ chức phi chính phủ, người dân xóm Sưng đã vượt khó vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển DLCĐ của huyện và tỉnh. Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa phục vụ phát triển du lịch, đời sống người dân có sự đổi thay từng ngày. Theo chị Lý Sao Mai, điều phối viên Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc ở xóm Sưng, xóm có khoảng 75 nóc nhà, có một số hộ làm homestay. Các hộ còn lại tuy không đầu tư thành điểm nghỉ dưỡng homestay nhưng đều tham gia hoạt động kinh tế du lịch dưới góc độ cung cấp các sản vật địa phương, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách. 
 
Chị Bùi Thị Nhềm, chủ homestay Ngọc Nhềm, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong phấn khởi: Từ khi chuyển sang làm DLCĐ, đời sống kinh tế của gia đình và người dân trong xóm có những bước chuyển tích cực, không ngừng được cải thiện, nâng lên.
 
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  
 
Khát vọng đó đang được huyện Đà Bắc triển khai trên chặng đường hiện thực hóa. Đồng chí Bàn Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc chia sẻ: Nhận thức rõ địa bàn huyện có tiềm năng lớn thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân. Trong những năm qua, bên cạnh việc cụ thể hóa các chương trình hành động, kế hoạch để phát triển DLCĐ tại các xóm: Đức Phong - xã Tiền Phong, Sưng - xã Cao Sơn, Ké - xã Hiền Lương..., huyện chú trọng quảng bá, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ du lịch một cách bền vững. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp khi huyện có lợi thế nằm trong vùng lõi quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030.
 
Nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh này, ngoài việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU, UBND huyện Đà Bắc xây dựng, ban hành, tập trung triển khai quyết liệt Đề án phát triển du lịch huyện tầm nhìn đến năm 2030... Đồng thời, chủ động tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch làm cầu nối với các nhà đầu tư; làm tốt quy hoạch đầu tư hạ tầng, tour, tuyến... Hiện nay, trên địa bàn huyện, ngoài một số mô hình, sản phẩm DLCĐ đã hình thành một số sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp như: Đà Bắc Ecolodge, Xoan Retreat ở xã Hiền Lương; hồ Tằm homestay ở xã Cao Sơn... Ngoài ra, có 4 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 630 tỷ đồng.
 
Đồng chí Bàn Thị Kim Quy chia sẻ thêm: Với quan điểm xuyên suốt vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường, xây dựng nền tảng vững chắc theo định hướng xây dựng ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian tới, bên cạnh việc quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, huyện tập trung thực hiện định hướng xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị các khu DLCĐ hiện có, phát triển các điểm DLCĐ mới. Làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích sự chủ động của người dân cùng tham gia; làm cho người dân thấy được lợi ích, sẵn sàng tham gia làm du lịch. Từ đó hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, tổng số khách đến huyện đạt 550.000 lượt (khách quốc tế 25.000 lượt, khách nội địa 525.000 lượt); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng trên 165 tỷ đồng, tổng thu nhập du lịch đạt khoảng trên 297 tỷ đồng.
 
Mạnh Hùng
Báo Hòa Bình điện tử - baohoabinh.com.vn